Ngay từ đầu vụ thu hoạch vải sớm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dành sự quan tâm đặc biệt cho “trái vải tiến vua” và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương trực tiếp tổ chức Hội nghị Kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu theo hình hình trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với hàng chục điểm cầu tại thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tổ chức tại Việt Nam, thu hút hàng trăm nhà nhập khẩu nông sản nước ngoài kết nối tiêu thụ.
Vải thiều Thanh Hà khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới
Để quả vải xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường mới khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc và các nước EU, UBND huyện Thanh Hà đã chủ động quy hoạch vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cho các hợp tác xã, người dân trồng vải sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định đã được cấp phép sử dụng, đảm bảo quả vải sau thu hoạch đạt chuẩn GlobalGAP. Do đó các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài hoàn toàn yên tâm về mẫu mã, chất lượng của quả vải khi tới tay người tiêu dùng.
Việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, kết nối xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh có cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn và tại các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt là sự quan tâm của các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, các thương vụ tại Châu Âu trong việc tổ chức kết nối, mời các nhà nhập khẩu tham gia giao thương tại Hội nghị trực tuyến Kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và sản phẩm nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương đã mang lại kết quả vượt mong đợi của người sản xuất vải cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tiêu thụ trong nước ổn định
Năm nay, sản lượng vải quả tiêu thụ trong nước rất ổn định và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm từ 65-70% tổng sản lượng vải, tương đương 35.000-38.000 tấn. Thị trường tiêu thụ vải chủ yếu là các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, các thành phố lớn miền Trung và miền Nam.
Vải tươi được tiêu thụ nhiều tại các tỉnh, thành lớn trong nước chủ yếu do các thương lái, công ty chế biến và kinh doanh nông sản thu mua, chuyển vào các chợ đầu mối (ước tính 20.000 tấn) sau đó phân phối tới các điểm bán lẻ và tại hệ thống của các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.
Thị trường mở rộng, sản lượng vải xuất khẩu tăng mạnh
Khác với những năm trước đây, niên vụ vải thiều 2021 có nhiều đột phá trong khâu tiêu thụ. Ngay đầu vụ, các doanh nghiệp đều chủ động liên hệ với đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng để xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính nhất trên thế giới. Sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường này cũng tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, quản lý chất lượng sản xuất vải quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho quả vải xuất khẩu đã mang lại những thành quả ngọt ngào khi vải thiều Thanh Hà được đối tác đánh gia rất cao và có sức hút lớn với người tiêu dùng tại đây.
Tại các cuộc giao thương trực tuyến (từ ngày 18 đến 20, 25/5/2021) do Cục Xúc tiến thương mại, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài và Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương tổ chức, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh đã ký kết được những hợp đồng xuất khẩu lớn tới đối tác nước ngoài, đặc biệt tại thị trường Pháp, Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Mỹ, Đức và các nhà nhập khẩu phân phối hàng nông sản lớn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các Bộ, ngành và địa phương trong việc hỗ trợ người trồng vải tỉnh nhà. Nhiều thị trường xuất khẩu mới mở ra, nhiều cơ hội xuất khẩu lớn đến với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản trong tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người trổng vải và đưa thương hiệu vải thiều Thanh Hà vươn xa khắp thế giới. Đây cũng là tiền đề mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương ra thị trường thế giới.
Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đã xuất khẩu sang một số nước Châu Âu như: Pháp, Bỉ, Cộng hòa Séc...
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất bởi sức tiêu thụ mạnh, việc vận chuyển vải tươi từ Hải Dương tới cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc rất thuận tiện và nhanh chóng. Với các thị trường gần Việt Nam, các doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 18.000 tấn vải tươi bằng cả chính ngạch và tiểu ngạch. Quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 13.000 tấn, theo đường chính ngạch khoảng 9.000 tấn. Ước tính sản lượng vải dành cho chế biến và xuất khẩu sang các thị trường khó tính khoảng 6.000 tấn.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, chủ yếu là những Công ty đã có tên tuổi và kinh nghiệm xuất khẩu vải lâu năm như Công ty CP nông sản Hưng Việt, Công ty TNHH Khởi Huệ, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Thanh Hà, Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản Thanh Hà, Công ty Cổ phần quốc tế Bamboo, Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty CP Pacific Food… Ngoài ra nhiều doanh nghiệp khác cũng thu mua hàng nghìn tấn vải tươi để phân phối cho các siêu thị trong nước như Công ty TNHH MTV rau an toàn Thanh Hà; để chế biến đóng hộp xuất khẩu như Công ty CP giống cây trồng Kiên Giang, Công ty TNHH Hùng Sơn, Công ty Hưng Việt, Công ty Khởi Huệ...
Vải tươi lần đầu giao dịch trên Sàn TMĐT
Đây là năm đầu tiên quả tươi được bán trên các sàn TMĐT và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Điều đó đã đánh dấu bước chuyển mình lớn lao của quả vải Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung. Quả vải tươi Thanh Hà đã được 04 Sàn TMĐT nổi tiếng như Lazada, Sendo, Voso Post và Postmart quảng bá, giới thiệu tới khách hàng và có sức tiêu thụ rất tốt. Từ đó mở ra cơ hội tiêu thụ cho quả vải thiều Lục Ngạn thời gian sau này. Tổng lượng vải Thanh Hà bán qua các sàn TMĐT đạt trên 100 tấn. Thậm chí thời điểm đầu vụ giá bán vải trên sàn TMĐT Lazada dao động ở mức 94.000 - 115.000 đồng/kg chưa bao gồm phí vận chuyển./.
Nguồn: Sở Công Thương